Phát biểu tại buổi ra mắt dự án AI cho giáo dục Việt Nam, thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương cho biết hoạt động của dự án AI cho giáo dục Việt Nam sẽ xoay quanh các vấn đề như: đào tạo giáo viên, trang bị cho giáo viên các cấp những kiến thức, kỹ năng, công cụ cần thiết để tích hợp AI vào việc dạy học. Từ đó, các thầy cô giáo sẽ tạo ra những trải nghiệm học tập thú vị cho học sinh.
Bên cạnh đó, dự án còn mong muốn phổ biến nhận thức về AI, khơi dậy sự hứng thú của học sinh, giáo viên, phụ huynh về chủ đề này thông qua các hoạt động đọc sách, hội thảo, tọa đàm, trải nghiệm thực tế…
Đồng thời, dự án cũng cung cấp giáo án dạy AI cho các nhà trường. Dự án sẽ thiết kế và cung cấp một chương trình giảng dạy AI toàn diện. Trong đó, quan điểm để xây dựng giáo án là giáo dục AI không phải chỉ dạy về công nghệ hay các thuật toán, mà dạy để học sinh có thể đánh thức ước mơ, sáng tạo và tiềm năng của mình cùng AI.
"Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, nhiệm vụ chính của giáo viên không còn là cung cấp kiến thức mà phải tạo ra mối quan hệ hợp tác, thầy và trò cùng nhau kiến tạo kiến thức. Việc đưa AI vào trường học không phải là đưa thêm một môn học mới mà để AI trở thành trí tuệ cộng sinh cho đổi mới dạy và học" - bà Uyên Phương nhấn mạnh.
Tại buổi ra mắt dự án, ban tổ chức chương trình cũng đã ra mắt cuốn sách Xin chào AI - Học và chơi cùng trí tuệ nhân tạo, cung cấp giáo án dạy AI miễn phí cho các trường có nhu cầu.
Kêu gọi cộng đồng chung tay thực hiện AI cho giáo dục
Diễn đàn giáo dục AI và sự học tương lai đã diễn ra trong buổi ra mắt dự án với sự tham gia của hơn 200 nhà giáo, phụ huynh, nhà nghiên cứu giáo dục…
Phát biểu tại diễn đàn, nhà giáo dục Lương Dũng Nhân cho rằng rào cản đầu tiên của giáo viên khi tiếp cận AI là tự cho mình có hạn chế về khả năng sử dụng công nghệ, sợ mình làm sai. Từ đó ngại ứng dụng AI vào dạy học.
Trong khi đó, ông Matt Allen, giáo viên của một trường liên cấp tại TP.HCM, đã trình bày về việc dùng AI trong quá trình giảng dạy của mình. Cụ thể là giáo viên có thể nắm bắt được tâm tư, tình cảm của học sinh, cũng như dễ dàng thực hiện việc dạy học theo hướng cá thể hóa hoặc phân nhóm để giảng dạy.
Cũng tại diễn đàn, ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương đã kêu gọi cộng đồng chung tay phát triển dự án AI cho giáo dục Việt Nam bằng cách hỗ trợ địa điểm để tổ chức các buổi hội thảo, làm tình nguyện viên dịch thuật, hỗ trợ học sinh, giáo viên các trường vùng sâu, vùng xa…