Nhà giáo dục nói viễn cảnh "tầng lớp vô dụng", hoài phí nếu học nhồi nhét
(Dân trí) - "Dưới tác động của công nghệ, bất bình đẳng trong giáo dục, trong xã hội gia tăng ngày càng nhanh. Tương lai sẽ có những học sinh tham gia vào tầng lớp vô dụng".
Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương - nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Illinois (Hoa Kỳ), tác giả cuốn sách "Xin chào AI" - nhấn mạnh viễn cảnh này tại diễn đàn "AI và sự học tương lai" ra mắt Dự án AI cho giáo dục Việt Nam (VAIEP) vừa diễn ra tại TPHCM.
Đây là dự án phi lợi nhuận với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động đào tạo, phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng công cụ AI đến giáo viên và học sinh Việt Nam.
Nhồi kiến thức kiệt quệ không giúp trẻ tránh viễn cảnh "tầng lớp vô dụng"
Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương nhắc đến khoảng cách giáo dục có thể thấy rõ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, thế giới chuyển qua dạy học online.
Giờ đây, AI phát triển như vũ bão nhưng "AI là gì" khi nhiều trẻ em nông thôn, vùng sâu vùng xa nhà tranh vách đất, bữa ăn chưa đủ.
"Điều này làm cho bất bình đẳng trong giáo dục, bất bình đẳng xã hội gia tăng ngày càng nhanh. Sự bất bình đẳng này sẽ đẩy nhiều học sinh tham gia vào "tầng lớp vô dụng" trong tương lai; số ít học sinh có cơ hội tiếp cận, nắm bắt cùng thời cuộc sẽ trở thành người dẫn dắt, làm chủ", bà Phương bày tỏ.
Tác giả cuốn sách "Xin chào AI" cho hay, AI không phải là làn sóng theo trend (trào lưu), biết để cho sang mà kéo theo nhiều sự thay đổi căn cơ của loài người, về cách vận hành của giáo dục, của nhà trường…
Người này đặt vấn đề 10-20 năm nữa con cái, học sinh chúng ta gia nhập thị trường lao động. Phụ huynh, thầy cô có ai muốn con mình, học trò mình là một phần của "tầng lớp vô dụng"? Sống không có tư duy bị điều khiển bởi người khác? Kiệt quệ trong các cuộc chạy đua để bắt kịp không?
Không ai muốn! Nhưng cách chúng ta đang làm, đang dạy trẻ, theo nhà giáo dục này không giúp trẻ tránh được viễn cảnh đó.
Bà Phương nêu quan điểm: "Giáo dục vẫn dạy trẻ tư duy "đồng phục", nhét cho đầy kiến thức, học trò kiệt quệ để tiếp nhận khối kiến thức "không bằng một góc của trí tuệ nhân tạo". Nhìn cách học sinh chúng ta đang học, tôi phải nói rằng có học bao nhiêu đi nữa cũng chỉ là sự hoài phí", bà cho hay.
Cần dạy trẻ điều gì?
Trích dẫn trên bảng chiếu báo cáo Reimagining our futures together 2023 của UNESCO "Giáo dục cần định hình những con người có khả năng sáng tạo, ứng dụng kiến thức của mình, giải quyết vấn đề và giải quyết vấn đề phức tạp.
Đặc biệt ở những bậc cao hơn, việc học phải tạo ra được những con người với kiến thức và kỹ năng tinh xảo, cũng như kỳ vọng các em sẽ có cơ hội sử dụng kiến thức vào thực tế", bà Phương in đậm hai chữ "phức tạp" và "tinh xảo".
Bà lý giải, khi máy móc đã thay thế con người những công việc đơn giản, lặp đi lặp lại thì chỉ những ai giải quyết được công việc tinh xảo và phức tạp mới có cơ hội.
Thời đại này có quá nhiều thứ nên học nhưng theo nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương có 3 thứ quan trọng nhất:
Tư duy kiến tạo: Được hiểu là năng lực của con người có thể giải quyết được vấn đề, họ có thể gỡ được mớ bòng bong để đưa ra giải pháp.
Tư duy phản biện: Giúp trẻ biết hoài nghi, chất vấn, đặt câu hỏi, phản biện về mọi vấn đề mình biết. Đây là tư duy cực kỳ cần thiết ở thời đại tin giả ngày càng kỹ xảo, tinh vi có thể thao túng chúng ta bằng nhiều cách trực tiếp và gián tiếp.
Nhắc đến điều này, bà Phương băn khoăn trường học chúng ta chưa dạy trẻ tư duy phản biện, ngược lại, chúng ta yêu cầu trẻ tin vô điều kiện những gì thầy cô cung cấp.
Giáo dục cảm xúc, tinh thần và lương tri: Thách thức lớn nhất của thời đại mới là vấn đề tâm lý. Trẻ phải thích ứng với tương lai biến đổi liên tục.
Theo bà Phương, con cái chúng ta có thể sẽ thuộc "tầng lớp vô dụng", khi AI càng phát triển, càng phải giáo dục trẻ về lòng trắc ẩn và lòng tử tế. Mỗi đồng, mỗi phút đầu tư cho AI cũng cần đầu tư tương đương cho lương tri con người, về sự đồng cảm, về sự trắc ẩn.
Còn hiện nay, đầu tư cho AI trong các lĩnh vực kinh doanh thu lợi nhuận rất kinh khủng từ quảng cáo, bán hàng, ứng dụng…. Những cỗ máy AI đang được dùng để tạo ra lợi nhuận, còn việc chăm sóc cho lương tri con người lại rất hời hợt.
Trò biết nhiều hơn thầy: Giáo viên sẽ là ai?
Tại chương trình, nhiều giáo viên băn khoăn việc dạy học của người thầy bị "trói buộc" về mặt quản lý với nhiều yêu cầu giáo án, chương trình, hồ sơ sổ sách…
Ông Matt Allen, thạc sĩ ngôn ngữ và trí tuệ nhân tạo tại Đại học Harvard, đang giảng dạy tại một trường liên cấp ở TPHCM cho biết, ở đâu cũng có những ràng buộc về mặt chính sách, quản lý đối với người thầy.
Việc người thầy cần làm, ông Matt Allen cho hay, có khi là tập trung vào những gì mình có thể làm. Giáo viên trực tiếp tiếp xúc, làm việc với học sinh để việc học được diễn ra, họ có thể nắm bắt tâm tư tình cảm của học trò, chủ động thực hiện các phương pháp dạy học, chọn lọc mang điều tốt đến cho học sinh...
Khi được hỏi chọn một điều duy nhất để dạy học trò, Matt Allen đáp ông sẽ chọn sự sáng tạo. Sáng tạo không chỉ ở lĩnh vực nghệ thuật mà ở tất cả mọi khía cạnh trong học tập và cuộc sống để giải quyết vấn đề.
Còn với ThS Lương Dũng Nhân, ngoài việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, AI còn là công cụ giúp giáo viên quản lý quá trình giảng dạy tốt hơn, hiểu về sức khỏe tinh thần của học sinh.
Ở thời đại AI, nếu chọn một điều để dạy học trò, ông Nhân cho biết AI càng phát triển thì mình càng cần hiểu mình. Ông sẽ dạy học trò hiểu về con người mình, hiểu tâm trí, cảm xúc, hành vi của bản thân.
Về vai trò của người thầy, UNESCO định nghĩa giáo dục chân chính là phải truyền được ý nghĩa và năng lượng cho người học. Giáo viên cần xây dựng được mối quan hệ quan tâm, tin cậy với học trò và cùng học trò kiến tạo các mục tiêu giáo dục.
Theo bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, giáo viên chính là người dìu dắt, tạo sự tin tưởng cho học trò. Giờ đây kiến thức chưa chắc người thầy đã biết hơn học trò, ai đó còn nghĩ giáo viên là cung cấp kiến thức cho trò thì... thất nghiệp khi AI làm việc đó tốt hơn nhiều.
Powered by Froala Editor
{[{notification.title}]}
{[{notification.message}]}