Cùng với những tên gọi “cách mạng 4.0”, “thời đại công nghệ”…, người ta con gọi giai đoạn hiện nay là “thời đại của sự phân tâm” để nói lên thực trạng đang có nhiều trẻ em bị màn hình (hay cụ thể hơn là những chương trình thương mai, chương trình giáo dục chất lượng thấp) chi phối, gây nghiện. Thời đại nghiện màn hình khiến trẻ em mất đi/hạn chế những kết nối thực để học cách hiểu chính mình, hiểu và sống hạnh phúc với người khác, để yêu mến và sống hài hòa thế giới tự nhiên.
Các tính toán của Children’s Commissioner, UK cho thấy chỉ cần 7 đô la để triển khai hiệu quả các bài học giúp gia tăng sự bền bỉ và phát triển trí thông minh cảm xúc (góc nhìn phòng ngừa), thay vì phải đầu tư đến 80.000 đô la cho chương trình xử lý hậu quả và khoảng 300 đô la cho chương trình tham vấn học đường. Và một trong những hướng đi mới lấy nền tảng từ truyền thống phương Đông để giúp gia tăng sự tập trung và phát triển cảm xúc, lòng nhân ái trong cộng đồng giáo dục, chính là phát triển chương trình thực hành Mindfulness như một môn học trong lớp.
Mindfulness (ý thức về thời điểm hiện tại với sự tập trung và không phán xét) là những bài tập thở, phương pháp thư giãn, nhận biết, quan sát và đón nhận cảm xúc và ý nghĩ của bản thân ở thời điểm hiện tại có thể giúp rèn luyện sự tập trung, nhận biết cảm xúc của bản thân và nhờ đó cũng có nhiều khả năng nhận biết cảm xúc của người khác, cảm nhận rõ ràng ý nghĩa của cuộc sống ở thời điểm hiện tại và nhờ đó có thể dễ dàng biết ơn những điều đẹp giản dị nhất của cuộc sống.
Kết quả đạt được
-
Giảm bớt tình trạng thiếu tập trung ở trẻ em trong thời đại bị “bao vây” bởi các thiết bị điện tử, công nghệ.
-
Giải tỏa trạng thái dồn nén những cảm xúc tiêu cực do áp lực từ trường lớp, áp lực từ môi trường sống để sống trọn ven ở thời điểm hiện tại và suy nghĩ tích cực hơn.
-
Tăng khả năng nhận thức về bản thân, khả năng làm chủ cảm xúc và suy nghĩ, yêu thương và quý trọng bản thân
-
Tăng thấu cảm với người khác; từ đó hình thành lòng biết ơn và xây dựng những hành động tử tế với người khác.